Không giống những ngôi nhà cổ miền Bắc hầu hết đều được làm bằng gỗ và mang đậm dấu ấn kiến trúc Bắc bộ, những ngôi nhà cổ miền Tây là sự kết hợp giữa kiến trúc Đông Dương, Champa. Cùng Senvangtour.vn tham quan 6 ngôi nhà cổ đẹp nhất miền Tây nhé
Nội dung chính
1. Nhà cổ Bình Thủy – Cần Thơ
Ngôi nhà được thiết kế theo phong cách Pháp nhìn từ bên ngoài nhưng bên trong lại được xây dựng theo kiểu truyền thống với cách bài trí mang đậm bản sắc gia đình Việt. Riêng khu vực bên hông nhà, nhiều loài lan quý vẫn đua nhau khoe sắc nhằm thỏa mãn thú chơi hoa của gia chủ và nhu cầu chiêm ngưỡng cảnh vật tự nhiên của du khách khi ghé thăm.
Các vật dụng trong ngôi nhà được làm từ nhiều loại gỗ quý hiếm và được chạm khắc tinh xảo, gắn liền với các sinh hoạt nơi miệt vườn sông nước Tây Nam Bộ. Đồng thời, nơi đây còn lưu giữ rất nhiều đồ cổ quý giá suốt hơn 140 năm qua.
2. Nhà Trăm cột – Long An
Chỉ riêng cái tên nhà trăm cột đã gây bao tò mò cho du khách trước khi đặt chân đến tham quan công trình kiến trúc cổ này. Nhà trăm cột nằm trên địa bàn huyện Cần Đước, tỉnh Long An, là một trong những di tích lịch sử cấp quốc gia và được xem là trọng điểm du lịch của địa phương.
Ngôi nhà do một nhóm thợ miền Trung xây dựng vào những năm 1901-1903. Dù có tên Nhà trăm cột, nhưng thực chất ngôi nhà có đến 120 cột với lối thiết kế theo kiểu thức thời Nguyễn và mang đậm phong cách Huế.
Nhà được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ gồm 3 gian, 2 chái được điêu khắc tinh xảo, lợp ngói âm dương, tạo nên tổng thể kiến trúc vô cùng độc đáo. Từ đây, sự uy nghiêm, tráng lệ của ngôi nhà như biểu hiện được rõ nét sự tài hoa của những con người đã tạo nên một công trình kiến trúc điêu khắc truyền thống nổi tiếng này.
3. Dinh thự của Công tử Bạc Liêu
Dinh thự của Công tử Bạc Liêu do kỹ sư người Pháp thiết kế và xây dựng vào năm 1919, năm ông Trần Trinh Huy – người có biệt danh “Công tử Bạc Liêu” khoảng 19, 20 tuổi.
Tất cả vật liệu để xây dựng ngôi nhà đều được đưa từ bên Pháp sang. Vì vậy, sau khi vừa hoàn thành, ngôi nhà được xem là bề thế nhất ở Nam kỳ lục tỉnh thời kỳ ấy.
Trải qua một thời gian trùng tu, ngôi nhà vẫn giữ được phong cách kiến trúc cổ xưa. Các vật dụng bàn, ghế, giường, tủ, đồ sứ quý hiếm được trưng bày trong nhà như là minh chứng cho một giai đoạn vàng son của nhân vật nổi tiếng này.
Hiện ngôi nhà nằm tại địa chỉ số 13 Điện Biên Phủ, phường 3, TP Bạc Liêu và thu hút rất đông du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng.
4. Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê – Đồng Tháp
Được xây dựng theo phong cách phương Đông bên trong kết hợp cùng lối kiến trúc của biệt thự kiểu Tây Âu ở bên ngoài đã khiến cho ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê trở nên nổi tiếng, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan.Ngôi nhà được xây vào năm 1895, với nguyên vật liệu chính là gỗ quý, toát lên dáng vẻ của một ngôi nhà ba gian đậm màu sắc truyền thống Tây Nam Bộ. Dù trải qua một lần sửa chữa lớn vào năm 1917, nhưng hơn một thế kỷ trôi qua, ngôi nhà vẫn giữ nguyên được lối kiến độc đáo vốn có.
5. Nhà cổ Cầu Kè – Trà Vinh
Nhà cổ Cầu Kè (hay nhà Huỳnh Kỳ) thuộc thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, cách thành phố Trà Vinh khoảng 30km. Ngôi nhà có đường nét cổ kính, với phong cách thiết kế đặc trưng cho lối kiến trúc Pháp đầu thế kỷ XX.
Cũng như nhiều ngôi nhà cổ khác tại miền Tây, hầu hết, các vật dụng trong nhà cổ Cầu Kè được bố trí theo phong cách thuần Việt và có sự giao thoa rõ nét giữa hiện đại và truyền thống. Đây được xem là công trình kiến trúc đặc sắc về điêu khắc, hội họa.Tham quan ngôi nhà, du khách sẽ có cơ hội hiểu hơn về những giá trị lịch sử gắn liền với vùng đất Trà Vinh xưa nói riêng và Nam Bộ nói chung trong những năm đầu thế kỷ XX.
6. Nhà cổ Cai Cường – Vĩnh Long
Ngôi nhà hơn trăm tuổi ở huyện Long Hồ, Vĩnh Long được xem là một công trình độc đáo khi có sự kết hợp hài hòa giữa lối kiến trúc phương Tây hiện đại pha lẫn nét Á Đông cổ xưa. Trải qua nhiều lần trùng tu, nhưng cách sắp xếp và trang trí bên trong vẫn còn vẹn nguyên giá trị.
Tất cả các hình tượng chạm trổ trên cột nhà, các bộ ván gỗ và những bức hoành phi đều không tuân theo các chuẩn mực về điêu khắc. Thay vào đó, những con vật quen thuộc của vùng sông nước Cửu Long như cua, cá, hổ, báo, hươu, nai,.. được các nghệ nhân chạm trổ một cách công phu.
Đặc biệt, với không gian rộng lớn trong nhà, các chương trình đờn ca tài tử vẫn diễn ra liên tục nhằm phục vụ nhu cầu thưởng thức “món đặc sản” không thể thiếu của người miền Tây dành cho du khách. Hoạt động này đã phần nào phản ánh được nét sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân nơi đây.
Bạn có nhu cầu du lịch xem ngay TOUR THAM QUAN MIỀN TÂY HỒ CHÍ MINH – CẦN THƠ